PHỤ KIỆN CÔ DÂU TRONG NGÀY CƯỚI: CHỈ ĐỂ ĐẸP HAY CÒN Ý NGHĨA PHÍA SAU?
Bên cạnh chiếc váy công chúa bồng bềnh trong ngày cưới, các cô dâu cũng thường sử dụng thêm các món phụ kiện như khăn voan đội đầu, găng tay, vương miện…để trở nên xinh đẹp và yêu kiều hơn trong ngày trọng đại. Những món phụ kiện này bắt nguồn từ văn hóa phương Tây, tuy nhiên không chỉ có công dụng làm đẹp, mà chúng còn mang nhiều ý nghĩa thú vị không phải ai cũng biết đâu đó nha!
Voan đội đầu và lúp che mặt, thấy hoài mà…hổng biết tại sao!
Trong nền văn hóa La Mã cổ đại, các cô dâu phải dùng một tấm vải có màu đỏ hoặc vàng, dài từ đầu đến chân để phủ kín mặt. Họ tin rằng các cô dâu là đối tượng mà quỷ dữ hay tìm đến để bắt đi, vì thế một tấm vải có màu lửa – thứ duy nhất khiến các linh hồn quỷ dữ chùn chân, sẽ là cách ngụy trang hiệu quả nhất để bảo vệ các cô gái không bị bắt mất.
Hoặc theo niềm tin xuất phát từ các tôn giáo lớn trên thế giới, ý nghĩa của việc che đi gương mặt của cô dâu bằng voan đội đầu là để mang đến sự kín đáo, làm liên tưởng đến hình ảnh nhu mì, e lệ của người phụ nữ ở phía sau tấm vải. Dần dà theo sự phát triển như hiện nay, các loại khăn/mạng che mặt đã được biến tấu để trở nên hiện đại, cách tân và tiện lợi để di chuyển hơn. Voan che mặt ngày nay được làm bằng chất vải mỏng nhẹ, thường kết hợp với hoa cài đầu hoặc vương miện, cô dâu vừa mang vẻ ngây thơ thánh thiện, vừa bí ẩn diễm lệ.
Cặp nhẫn cưới – đại diện cho một mối quan hệ cam kết
Theo niềm tin của người Ai Cập cổ đại, tĩnh mạch của ngón áp út – ngón tay đeo nhẫn, chính là con đường trực tiếp nhất dẫn đến trái tim một người. Thêm vào đó là hình dạng tròn của chiếc nhẫn tượng trưng cho sự vĩnh cửu trọn đời vì không có điểm bắt đầu cũng như điểm kết thúc; khoảng trống bên trong vòng tròn của nhẫn cưới không chỉ để xỏ ngón tay vào, mà còn mang ý nghĩa là “cánh cổng” mới mà đôi vợ chồng sắp bước qua
Chất liệu kim loại được dùng làm nhẫn (thường được làm từ vàng, bạc, đính thêm đá quý kim cương…) đại diện cho sự trường tồn, độ tinh khiết và sức mạnh của tình yêu, tình nghĩa vợ chồng. Nghe dễ thương thiệt đó!
Cô dâu mang hoa cưới
Trong các đám cưới cổ xưa tại phương Tây, cô dâu mang theo một số loại thảo mộc để thể hiện sự chung thủy. Các cô dâu Hi Lạp mang theo hoa thường xuân, biểu tượng cho tình yêu vĩnh cửu. Tại Tây Ban Nha, người ta còn chọn hoa cam cho đám cưới, loại hoa thể hiện hạnh phúc và sự tràn đầy.
Lâu đời hơn, vào thời kì trước đó, khi ma quỷ là nỗi sợ hãi phổ biến của con người, cô dâu còn mang những vòng hoa bằng thảo mộc và cây gia vị để xua tan đi tà ma trong đám cưới.
Ý NGHĨA CỦA CÁC LOẠI MÂM QUẢ MÀ CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Mâm quả cưới là một trong những nét đẹp truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt Nam, đây được xem là sính lễ mà nhà trai gửi đến nhà gái nhằm thể hiện tấm lòng và sự chân thành, cũng là lời mở đầu cho mối kết giao giữa hai bên thông gia
Tất nhiên còn tùy thuộc vào từng vùng miền cũng như điều kiện kinh tế của từng gia đình mà mâm lễ ngày cưới cũng sẽ có sự khác biệt ít nhiều, song vẫn giữ được ý nghĩa sâu sắc vốn có của từng loại mâm quả. Và cho dù thế nào đi chăng nữa, thì những mâm quả cưới trong đám cưới hỏi đều cần được chuẩn bị một cách đầy đủ, chỉn chu và trang trọng nhất để thể hiện được tấm lòng cũng như sự tôn trọng của nhà trai
Hôm nay hãy cùng tụi mình tìm hiểu về những ý nghĩa thiệt là hay ho của 6 loại mâm quả này, bạn nhen!
1/ Mâm trầu cau: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”
Mâm quả này thường được sắp xếp ở vị trí đầu tiên trong các mâm sính lễ. Được xem là sự thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước, cho nên trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt ta luôn có trầu cau. Trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng – vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu. Bởi lẽ người xưa thường xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không để ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không.
Chiếu theo thông lệ ngày xưa thì sẽ tính 1 quả cau bằng 2 lá trầu. Qua thời gian, người ta lại cho rằng mâm quả cưới hỏi cần có 105 quả cau ứng với 100 năm hạnh phúc, còn buồng 60 quả sẽ là bền chặt như 60 năm cuộc đời. Cũng có thể giải thích rằng trầu cau tượng trưng cho “vợ chồng tiết nghĩa” (Nguyên văn: “Anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa” – Sự tích Trầu Cau)
2/ Mâm trái cây: “hoa thơm quả ngọt”
Đối với mâm trái cây, người ta thường chọn 5 loại quả thơm ngọt, mọng nước khác nhau, thường gọi là “mâm ngũ quả”, đem kết thành hình tháp, hình rồng phượng một cách cầu kì đẹp mắt. Nó tượng trưng cho cuộc sống sung túc, đủ đầy và ngọt ngào của đôi vợ chồng trẻ, cầu chúc cho tình yêu của đôi uyên ương luôn tươi mới suốt cuộc đời như thuở còn son
Các loại trái cây được chọn cũng thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Ví dụ mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm: cam, táo, lê, đào, hồng. Gia đình người miền Nam lại thường kiêng kỵ những trái có tên mang ý nghĩa xấu, nên mâm trái cây của họ không có cam (quýt làm cam chịu), lê (lê lết), táo (người Nam gọi là “bom”), lựu (lựu đạn) và không chọn trái có vị đắng, cay nên mâm trái cây người miền Nam thường sẽ có: xoài, mãng cầu, thanh long, nho, táo Mỹ đỏ.
Tuy nhiên, hiện nay phong tục về mâm quả trái cây trong ngày cưới không còn quá khắt khe như xưa, mọi việc đều có thể được hai nhà bàn bạc trước với nhau và thuận theo ý muốn chung của hai gia đình.
3/ Mâm bánh cốm – bánh phu thê
Mâm bánh tùy thuộc vào từng vùng miền mà sẽ có những loại bánh khác nhau, nhưng có 2 loại bánh phổ biến nhất đó là bánh Phu Thê (có nơi gọi là bánh Xu Xê) và bánh Cốm
Chữ “Phu Thê” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “vợ chồng”, tượng trưng cho ước vọng về sự thủy chung, son sắt, bền chặt trong tình yêu. Do đó, bánh Phu Thê được xem là sự hài hòa của đất trời, thể hiện âm dương đồng thuận, phần nhân được đặt trọn trong phần bột đã dàn mỏng thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình nghĩa Phu Thê.
Về phần bánh Cốm, đây là loại bánh luôn có mặt trong các mâm quả cưới ở miền Bắc, bánh có hình tròn tượng trưng cho bầu trời, cho cực dương. Ngày cưới có âm, có dương sẽ tạo nên sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc cho cô dâu, chú rể sau này.
4/ Mâm trà – rượu: “khách đến nhà không trà thì rượu”
Những ngày đoàn viên, họp mặt gia đình bạn bè của người Việt đều không thể thiếu trà và rượu. Mâm quả có trà và rượu sẽ được dâng lên bàn thờ trong quá trình cử hành nghi thức, mang ý nghĩa tâm linh như là lời con cháu kính hiếu mời các vị cao niên, ông bà tổ tiên cùng chứng giám cho đôi trẻ và cũng là để xin phép tổ tiên cho đám cưới được diễn ra vui vẻ, hạnh phúc cũng như đời sống hôn nhân của hai vợ chồng sẽ được viên mãn đủ đầy về sau.
5/ Mâm gà – xôi – heo quay
Trong mâm lễ vật này, màu đỏ của xôi gấc hàm ý mang lại sự may mắn, xôi gấc trong mâm quả cưới thường được đóng thành năm khuôn trái tim có in chữ Hỷ hoặc đóng thành khuôn tròn như cái chén, đặt bên trên mâm xôi gấc thường có thêm một con gà đi kèm ngụ ý “gà đẻ trứng vàng” hoặc heo quay tượng trưng cho tài lộc và sung túc, đồng thời mang ý nghĩa chúc cho cô dâu chú rể mau có tin vui.
Mâm lễ vật mặn này mang ý nghĩa cầu chúc cho cặp đôi sắp cưới sẽ có được cuộc sống hạnh phúc ấm no và đủ đầy, không bao giờ thiếu thốn
6/ Mâm áo dài – vải – trang sức cưới
Mâm quả áo dài vải vóc này chỉ thường xuất hiện ở các lễ gia tiên miền Nam, sẽ do gia đình nhà trai chuẩn bị cho cô dâu ngụ ý khi về nhà chồng, cô gái vẫn sẽ được quan tâm chăm sóc và có cuộc sống đủ đầy hạnh phúc như khi còn ở nhà mẹ đẻ
7/ Tiền đen – tiền cheo (tiền thách cưới) – cặp nến tơ hồng
Phần tiền thách cưới này được xem như một lời cảm ơn chân thành của gia đình nhà trai gửi đến nhà gái vì đã có công sinh thành dưỡng dục người con dâu tương lai của họ. Bên cạnh đó, đây cũng được xem là một phần đóng góp của gia đình chồng vào việc chăm lo cho con dâu trước ngày thành hôn, nhà gái có thể đưa số tiền này cho cô dâu để sắm sửa quần áo, tư trang trước khi về nhà chồng.
Cặp nến tơ hồng chính là nét riêng biệt ở các lễ gia tiên tại miền Nam bởi họ cho rằng ngọn lửa tượng trưng cho “mái ấm”, bình yên. Tức là vợ chồng yêu thương nhau cũng giống như “giữ lửa trong gia đình. Cặp nến này sẽ do một người lớn tuổi có gia đình êm ấm hạnh phúc thổi tắt sau khi kết thúc nghi lễ, nhằm lấy may cho đôi trẻ để tụi nhỏ cũng sẽ có cuộc sống hôn nhân ấm êm hạnh phúc như vậy.
Mâm quả cưới từ xưa đến nay luôn được xem là truyền thống và là nét đặc trưng trong phong tục cưới hỏi của người Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy có hơi “rườm rà” nghi thức hơn phương Tây, nhưng tụi mình nghĩ đây là một nét văn hóa khá đặc sắc và ý nghĩa không phải nước nào cũng có được. Cho đến ngày nay thì các nghi thức cũng đã được lược bớt và đơn giản hơn ngày xưa rất nhiều rồi í, bạn yên tâm là sẽ không quá “đau đầu” đâu hen!
NGHI THỨC CƯỚI HỎI Ở 3 MIỀN: KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?
Sự khác biệt về vị trí địa lý tất nhiên sẽ tạo nên nhiều điểm khác nhau về đặc trưng văn hóa cũng như phong tục tập quán ở từng vùng miền. Tương tự, phong tục cưới hỏi ở 3 miền Bắc – Trung – Nam đều có những nét độc đáo, hay ho riêng mà có thể bạn chưa từng nghe qua, cùng theo dõi thử xem hôm nay tụi mình sẽ mang điều gì vào bài viết này, bạn hén!
1/ Lễ cưới miền Nam:
Theo đúng phong tục ngày xưa thì phải có 3 nghi thức là: dạm ngõ, ăn hỏi và đón dâu. Tuy nhiên do tư tưởng có phần cởi mở và phóng khoáng hơn nên nhiều gia đình miền Nam ngày nay thường “nhảy qua” lễ dạm ngõ mà tiến hành làm lễ ăn hỏi – đón dâu luôn trong cùng một ngày, lược bớt phần lễ nghi và cũng tiện cho thông gia hai nhà đỡ di chuyển qua lại vất vả.
Dù có thể giảm nhẹ và đơn giản hóa một vài nghi thức là thế, nhưng người miền Nam vẫn giữ lại một phong tục quan trọng trong ngày đón dâu, đó chính là Lễ Lên Đèn, hay còn được gọi là Lễ Thượng Đăng. Tức là khi đón dâu, phía nhà trai sẽ mang theo một cặp đèn cầy to, sau khi hai bên thông gia chào hỏi, mời nhau trà rượu… thì người đại diện nhà trai sẽ xin được làm lễ lên đèn. Lúc này cặp đôi sẽ tự tay thắp đèn cầy (hiểu là lửa hương hỏa) và đặt lên bàn thờ gia tiên – nơi phải có đủ “hương đăng hoa quả” (là nhang, đèn, trái cây í) như là xin phép tổ tiên cho hai người chính thức trở thành vợ chồng, xin được bảo ban và gắn kết đến đầu bạc răng long.
Có người còn nói ngọn lửa phải cháy thong dong, đều đặn thì mới tốt, còn nếu bên cao bên thấp thì chàng rể sẽ…sợ vợ, cô dâu sẽ lấn lướt chồng. Hông biết điều này có thật hay không nhưng mà mấy anh nhịn “nóc nhà” một tí cho cổ vui thì cũng dễ thương mà, phải hông?
2/ Lễ cưới miền Bắc:
Khác với miền Nam, người miền Bắc thường được biết đến bởi tính cách nghiêm chỉnh và quy củ, bởi thế nên các nghi thức cưới hỏi nơi đây được tổ chức có phần nề nếp và khắt khe hơn, chí ít phải giữ được đầy đủ 3 lễ chính, là: Dạm ngõ, Lễ hỏi và Rước dâu
2.1/ Dạm ngõ: ở miền Bắc, lễ dạm ngõ là một buổi gặp mặt thân mật giữa hai bên gia đình để thưa chuyện với nhau, do đó không cần quá đông khách tham dự, chỉ cần mời một vài người họ hàng thân thiết là đã đủ ấm cúng.
Trong ngày này, phía nhà trai cần chuẩn bị sính lễ cho gia đình cô dâu, về phần tiếp đón của nhà gái cũng không quá cầu kì, chỉ cần một ít bánh kẹo, trà và trái cây… Sau khi nhà trai trao lễ, nhà gái sẽ đưa lên bàn thờ tổ tiên để thắp hương, sau đó hai bên gia đình sẽ ngồi lại với nhau bàn bạc, thống nhất một số thứ cho các nghi lễ kế tiếp
2.2/ Lễ ăn hỏi: Đối với người miền Bắc thì lễ ăn hỏi không thể thiếu cốm và hồng, tùy vào điều kiện gia đình mà sẽ có thêm heo sữa quay. Một lưu ý khác trong lễ ăn hỏi ở miền Bắc là số lượng tráp luôn là số lẻ, vì số lẻ tượng trưng cho yếu tố “dương”. Nhưng số lượng lễ vật trong từng tráp thì lại luôn là số chẵn, với ý nghĩa là có đôi có cặp, thông thường lễ ăn hỏi sẽ diễn ra trước đám cưới ít nhất 1 tuần đến 10 ngày
2.3/ Lễ rước dâu:
Sau khi chọn được giờ giấc cụ thể, đại diện nhà trai sẽ xin phép được đón cô dâu đi. Theo phong tục truyền thống ở miền Bắc, cô dâu phải đi thẳng một mạch, không được ngoảnh lại, bố chồng sẽ là người đưa cô gái về nhà chồng, mẹ không dắt dâu để tránh cảnh chia ly buồn bã. Và trên đường về nhà trai, cô dâu phải mang theo một ít tiền lẻ để thả rơi khi đi qua các ngã ba, ngã tư… và phải rút một bông hoa cưới ném xuống đường nếu gặp đám cưới đi ngược chiều.
3/ Lễ cưới Miền Trung:
Các nghi lễ thường thấy ở các lễ cưới hỏi miền Trung sẽ là lễ xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, lễ rước dâu sẽ diễn ra ở nhà gái, còn đón dâu và lễ gia tiên sẽ ở nhà trai. Thông thường bố mẹ cô dâu sẽ không đi theo xe lúc đưa dâu, mà đợi sang hôm sau mới đến nhà trai, mục đích để xem cô con gái ngày đầu về làm dâu nhà chồng có làm điều gì phật ý họ hay không.
Bên cạnh đó, người Huế cũng không có tục thách cưới, lễ vật tối thiểu chỉ gồm có mâm trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng, bánh phu thê. Nếu khá giả, nhà trai có thể thêm bánh kem, bánh dẻo, nhưng sẽ không có “lợn quay đi lọng” như ở nhiều nơi. Ngoài ra, đám cưới ở miền Trung luôn có phù dâu, phù rể và hai đứa trẻ, thường là 1 trai 1 gái, tuổi tương đương nhau cầm lồng đèn hay cầm hoa trên tay dẫn đường đi trước
Đặc biệt ở chỗ, trong đêm tân hôn, cặp đôi mới cưới sẽ phải làm lễ giao bôi hợp cẩn. Người dân nơi đây có tập tục để trong phòng tân hôn một khay lễ với 12 miếng trầu, đĩa muối, gừng và rượu giao bôi, hai người sẽ phải nhai hết 12 miếng trầu, tượng trưng cho 12 tháng hòa hợp trong năm, 12 năm hòa hợp tuần hoàn trong một giáp âm lịch. Còn việc ăn muối, ăn gừng mang màu sắc dân gian, biểu tượng nghĩa tình nồng thắm.
Vừa rồi tụi mình đã điểm qua những nét văn hóa mang màu sắc rất riêng của từng vùng miền, tuy có đôi chút khác nhau về phong tục cưới hỏi, nhưng các bậc trưởng bối dù là ở đâu cũng đều mong muốn điều may mắn sẽ đến gõ cửa nhà của đôi uyên ương, cầu mong cho con cháu của mình được hạnh phúc lâu bền và thuận buồm xuôi gió, đúng không nè!
ĐIỂM THÚ VỊ TRONG ĐÁM CƯỚI PHƯƠNG TÂY MÀ BẠN NÊN THAM KHẢO
Theo xu hướng hội nhập văn hóa ngày nay, có vô số cặp đôi lựa chọn một hôn lễ theo phong cách phương Tây thay vì truyền thống Á Đông như trước giờ. Không phải vì sính ngoại, mà bởi vì đám cưới phương Tây luôn đặt sự thoải mái của cặp đôi và gia đình lên hàng đầu, không gò bó lễ nghi khuôn khổ, và cô dâu chú rể chỉ cần là chính mình, tha hồ vui đùa tẹt ga với lũ bạn thân mà chẳng cần phải e dè. Hãy cùng tụi mình điểm qua một số điều hay ho nữa, coi “bên bển” người ta hay làm gì mà vui dữ thần!
1/ Địa điểm tổ chức
Người Việt Nam mình xưa giờ hay chọn những nhà hàng khách sạn to đùng như tòa lâu đài, uy nghi lung linh rực rỡ để tổ chức hôn lễ, vừa để chắc cú hông bị thời tiết xấu ảnh hưởng, vừa để “khoe khéo” với mọi người về độ chịu chơi của hai vợ chồng (nhưng mà công nhận là chịu chơi thiệttt). Còn ở bên Tây, họ chỉ thích hôn lễ được tổ chức đơn giản, ở một không gian ngoài trời có bãi có ví dụ như khoảnh sân sau nhà hay sân golf chẳng hạn, và đặc biệt là mang đậm phong cách cá nhân của hai vợ chồng luôn á!
2/ Lời chúc rượu (Wedding toasts)
Chắc mọi người ít nhiều gì cũng từng thấy qua những chiếc video được chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại khoảnh khắc một anh phụ rể (best man) cầm micro trên sân khấu, lần lượt “bóc mẽ” từng chiêu trò của chú rể từ hồi còn cưa cẩm cô dâu, “phốt” và “bôi nhọ” những điều ngớ ngẩn mà chú rể/cô dâu đã làm cho mọi người cùng nghe rồi cười nghiêng ngả, hay chỉ đơn giản là gửi gắm những tình cảm chân thành cùng lời chúc phúc trong lòng họ đến với cặp đôi.
Những bài phát biểu này thường mang tính hài hước, ngọt ngào, đôi khi cũng rất xúc động. Chẳng cần trau chuốt văn phong gì cho lắm đâu, vì đối với tụi mình, những điều diễn ra trong đám cưới, những nhân vật tham dự đám cưới, từng nụ cười và từng cái vỗ tay, tất cả đều nên xuất phát từ tình yêu và sự chân thành.
3/ Chọn ngày
Ở Việt Nam thì đa số mọi người đều chọn tổ chức đám cưới vào ngày cuối tuần để khách mời và các con của họ có thời gian thật sự rảnh rỗi, không vướng bận chuyện học chuyện làm đến chung vui cùng cặp đôi. Còn ở phương Tây, đặc biệt là các đám cưới truyền thống, đám cưới thường diễn ra vào nửa đầu của tuần.
Do sự phổ biến rộng rãi của đạo Công giáo, người ta tin rằng thứ bảy không phải là ngày may mắn và thứ sáu cũng không tốt, đặc biệt là thứ sáu ngày 13. Họ còn có cả một bài vè cổ nổi tiếng nói về cách chọn ngày
Bản gốc:
Monday for wealth
Tuesday for health
Wednesday the best day of all
Thursday for losses
Friday for crosses
Saturday for no luck at all
Lược dịch:
Thứ hai là ngày Thịnh vượng
Thứ ba là ngày của Sức khỏe
Thứ tư là ngày Tốt nhất
Thứ năm là ngày Mất mát
Thứ sáu là ngày Đau khổ
Thứ bảy là ngày Tận số
Thêm vào đó, trong tất cả các tháng trong năm, thì tháng Sáu (June) cũng được xem là tháng may mắn cho việc cưới hỏi, vì tháng này được đặt tên theo vị thần Juno – vị thần Tình yêu và Hôn nhân trong nền văn minh La Mã. Hông biết có thiệt hay không nhưng mà cũng đáng để thử lắm đó, tháng sáu vừa vào hè nên chưa mưa, trời còn nhiều nắng và dễ có hoàng hôn cho những bức hình cưới xinh xắn lung linh, cũng có lí quá đi chứ?
4/ Thiệp mời
Nếu thiệp mời của người Việt mình thường chỉ có thông tin địa điểm tổ chức ngày cưới, hoặc bản đồ để khách mời dễ tìm được địa điểm, thì thiệp mời cưới ở phương Tây luôn đi kèm một câu nhắn nhủ “Xin vui lòng trả lời liệu bạn có thể đến tham dự đám cưới được không?” Sau khi nhận được thiệp, các khách mời sẽ phản hồi lại cho cặp đôi để xác nhận lại việc họ sẽ đến tham dự ngày vui hay không.
Lí do đằng sau câu hỏi có phần tế nhị đối với chúng ta, là do ở nước ngoài, đám cưới được xem là một bữa tiệc vui vẻ giữa cặp đôi và gia đình, bạn bè thân thiết. Điều này cũng lí giải cho việc vì sao ở bên đó người ta lại gửi thiệp mời cách ngày cưới đến vài tháng trong khi người Việt Nam thì lại chỉ gửi trước một đến hai tuần. Bên cạnh đó, việc kiểm soát được chính xác số lượng khách mời cũng giúp cặp đôi tránh lãng phí tiền bạc từ việc bị thừa bàn, mọi người nên lưu ý vấn đề này nhe!
Nếu bạn cần tụi mình hỗ trợ quán xuyến cả các đầu việc trước ngày cưới và trong ngày cưới thì hãy tham khảo qua:
- Phần một – Trước ngày cưới: CÁC DỊCH VỤ CƯỚI NỔI BẬT – DÀNH CHO QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ CƯỚI 3-12 THÁNG
- Phần 2 – Trong ngày cưới: CÁC DỊCH VỤ NỔI BẬT – DÀNH CHO QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ CƯỚI 3-12 THÁNG
____________________
Bài viết thực hiện bởi Hiểu My x kissteam
Hình ảnh: KISS WEDDING EVENT PLANNER
© www.kisswe.com
Gặp tụi mình ở đây nhé
- Inbox vào page này shorturl.at/xzFT7
- Để lại request tại https://cutt.ly/Ukn3R19
- Gửi email vào: contact@kisswe.com
- Zalo/viber to 0898317980 | 0707252960
- Gọi trực tiếp đến 0898317980 | 0707252960