Đám cưới là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt bao gồm những lễ nghi đậm chất truyền thống dân tộc. Ở những vùng miền khác nhau của nước ta sẽ có những phong tục cưới hỏi khác nhau. Đối với người miền Bắc, lễ cưới hỏi có phần nghiêm ngặt và phải thực hiện đầy đủ các nghi lễ. Người miền Trung có phong tục cưới hỏi rất đơn giản, tiết kiệm, trọng lễ nghi chứ không trọng tiền bạc. Người dân miền Nam với lối suy nghĩ phóng khoáng nên phong tục cưới hỏi tại đây có phần nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Dù cô dâu chú rể là người miền nào đi chăng nữa, nghi thức cưới hỏi phải đầy đủ 3 lễ là dạm ngõ, ăn hỏi và đón dâu. Trong bài viết này, những phong tục cưới hỏi của người miền Nam sẽ được đề cập đến nhằm giúp các đôi uyên ương có thể chuẩn bị tốt nhất trong ngày cưới của mình.
Trình tự phong tục cưới hỏi tại miền Nam
Thông thường, một đám cưới phải đầy đủ cả 3 nghi lễ là lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ rước dâu. Tuy nhiên, người miền Nam không quá chú trọng vào phần lễ nghi nên đối với nhiều gia đình lễ dạm ngõ được lược bớt, lễ ăn hỏi và lễ đón dâu được diễn ra trong cùng một ngày. Theo phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam, hôn lễ sẽ được cử hành ngay tại gia đình trong một không gian nghiêm trang và sạch sẽ. Các nghi lễ sẽ được thực hiện tại trước bàn thờ tổ tiên.
Xem thêm: Phong tục cưới hỏi Việt Nam – miền Trung
Họ nhà trai gồm người lớn đại diện trong gia đình, thường sẽ đi theo cặp (số chẵn) cùng chú rể và đội ngũ bưng quả sẽ đến nhà gái trong ngày cưới. Khay trầu và đôi đèn sẽ được chú rể bưng trên tay, phù rể bưng rượu và đội bê tráp với các sính lễ được đặt trong mâm quả phủ ngoài là khăn đỏ. Sính lễ mang đến nhà gái ngoài quả vật trái cây, bánh kẹo, phải có trầu cau, có cặp đèn (nến) lớn có kích thước trùng với đôi chân đèn trên bàn thờ nhà gái. Đối với đám cưới miền Nam, trưởng tộc sẽ là người đại diện họ trai ngỏ lời xin nhập gia nhà gái và trình lễ vật. Khi lễ vật đã được nhà gái nhận, chú rể sẽ trao tặng nữ trang cho cô dâu. Bên nhà gái sẽ tặng quà cho cô dâu trước khi về nhà chồng hay thường gọi là quà hồi môn. Quà tặng là thường trang sức bằng vàng trong đó sẽ gồm có dây chuyền, nhẫn, vòng tay, khuyên tai được chuẩn bị riêng cho cô dâu. Đây là những món quà cô dâu được giữ riêng cho mình sau đám cưới.
Lễ lên đèn
Lễ lên đèn là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong phong tục cưới hỏi của người miền Nam. Đây là một phong tục trong hôn lễ được truyền từ đời này sang đời khác nên không ai biết chính xác lễ lên đèn có từ khi nào. Ý nghĩa của lễ lên đèn là thể hiện lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên và mong muốn gắn kết tình cảm thông gia giữa hai bên gia đình. Lễ lên đèn còn thay cho lời tuyên bố với họ hàng hai bên về tình yêu của đôi uyên ương, cũng là lời hứa gắn kết trọn đời trước tổ tiên và mong được chứng giám. Ông bà xưa cho rằng, nếu đèn tắt sẽ báo hiệu điều không lành đối với gia đình hai bên và cuộc sống hôn nhân của vợ chồng, vì vậy khi thực hiện nghi thức này, trưởng tộc thường yêu cầu tắt quạt và đóng hết các cửa. Và cũng có quan điểm khác cho rằng, hai cây đèn khi thắp lên phải cháy đều nhau nếu không sau này cô dâu sẽ lấn át chú rể trong cuộc sống vợ chồng.
Xem thêm: Nghi thức lễ gia tiên trong ngày cưới
Lễ đón dâu
Sau khi thắp đèn xong là lúc lễ rước dâu bắt đầu.
Cô dâu được đưa về nhà chú rể, trước bàn thờ nhà chồng, phụ rể sẽ rót nước mời trưởng tộc họ trai, sau đó đại diện nhà trai sẽ tuyên bố bắt đầu nghi lễ thành hôn. Cô dâu được đón về nhà chú rể, trước bàn thờ tổ tiên và đầy đủ tư gia họ nhà trai, phụ rể rót rượu mời trưởng tộc bên nhà trai tuyên bố và làm lễ thành hôn. Cô dâu chú rể sẽ lần lượt thực hiện các nghi thức của buổi hôn lễ.
Đầu tiên là lễ bái gia tiên nhà trai trước bàn thờ thường gọi là lễ “ông bà quá vãng”, tiếp theo là rót rượu mời họ tộc cùng ông bà nội ngoại hai bên, cô dâu chú rể làm lễ bái song thân là cùng dâng rượu cho cha mẹ. Cuối cùng là bước thiết đãi tiệc rượu bạn bè quan khách đến chúc mừng hạnh phúc hai vợ chồng. Phong tục buộc người trưởng tộc cũng sẽ là người tuyên bố kết thúc buổi lễ thành hôn.
Lễ cưới là một lễ đặc biệt quan trọng với mọi gia đình Việt Nam. Mặc dù không có các tư liệu nào ghi chép cụ thể về khởi nguồn của các phong tục cưới hỏi của người miền Nam nhưng các nghi lễ truyền thống mang đậm nét đặc trưng văn hóa Nam bộ vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay và là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa của dân tộc Việt.
KISS WEDDING PLANNER
Trang trí tiệc cưới, đám cưới ngoài trời, kế hoạch tiệc cưới, địa điểm cưới, ý tưởng cưới độc đáo, wedding idea, wedding decoration – wedding planner, Kiss wedding planner, kế hoạch tiệc cưới, thông tin cưới 2018, xu hướng trang trí tiệc cưới 2018, Ý tưởng cưới, Cưới hết bao nhiêu tiền