CƯỚI CŨNG THEO MÙA, BẠN CÓ BIẾT?
Có một kiểu mùa rất ngộ!
Đó giờ mình mới nghe tới mùa tựu trường, mùa săn sale, mùa du lịch…còn khái niệm “mùa cưới” nghe hơi lạ tai hen. Nếu bạn chưa biết tới khái niệm này, hoặc có nghe qua phong thanh mà hông biết rõ, vậy thì ngồi xuống đây đi, để tụi mình kể chuyện cho bạn nghe, kể về mùa cưới là mùa như nào nhen, tại vì tháng 11 đã đến, mùa cưới cũng đã bắt đầu rục rịch khởi động rồi đó nha!
Khi nào mới là mùa cưới?
Thông thường, mùa cưới sẽ diễn ra trong suốt quãng thời gian từ mùa thu, sang mùa đông, kéo dài đến hết mùa xuân, và cao điểm nhất, hot phỏng tay nhất vẫn là vào mùa thu-đông khi tiết trời đã trở nên mát mẻ, không còn những cơn mưa ngang ngược hoành hành.
Tuy nhiên đây cũng chỉ là khoảng thời gian được mọi người săn đón nhất thôi chứ chẳng phải cặp đôi nào cũng cần chọn ngày cưới vào mùa này. Vì mỗi mùa, mỗi tháng đều có một nét đẹp riêng biệt, chẳng hạn như mùa xuân là mùa đâm chồi nảy lộc, mùa của sự khởi đầu và tươi mới, tiết trời dễ chịu; mùa hè tuy nắng có hơi chói chang nhưng bù lại bạn sẽ bắt được khoảnh khắc mặt trời đang dần lẩn khuất sau bầy mây, nắng chiều dần nhạt đi trong tiếng đàn du dương chuẩn bị cho đêm tiệc trọng đại bắt đầu… Nghe cũng lí tưởng quá đi chớ!
Vì sao khoảng thời gian này lại được trao cho chiếc vương miện mang tên “cưới”?
Nét văn hóa này được truyền lại qua nhiều thế hệ, bắt đầu từ xưa xửa xừa xưa, khi hầu hết mọi đại sự trong nhà đều được dời lại để ưu tiên cho mùa lúa, mùa thóc (dĩ nhiên, vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp mà!) Do đó, mùa cưới thường bắt đầu từ mùa thu đến hết mùa xuân năm kế tiếp, tương ứng với tháng 8 năm nay đến hết tháng 2 năm sau tính theo lịch âm.
Đến khi mùa gặt kết thúc, gia đình nào cũng thảnh thơi thong thả, lúa thóc đủ đầy, họ mới bắt đầu tính đến chuyện dựng vợ gả chồng, yên bề gia thất cho con cái. Mà cuối năm cưới, cũng tức nghĩa là năm nay nhà mình có thêm người, vui nhà vui cửa hơn là cái chắc!
Ngày nay mọi người đã bớt phụ thuộc vào mùa màng, nên quanh năm suốt tháng muốn cưới lúc nào là cưới lúc ấy, “thích thì nhích” thôi có gì đâu mà đợi chờ nè, sốt ruột lắm chứ bộ! Tuy nhiên để tiện cho việc chụp ảnh cưới cũng như không quá vội vã để có thể chuẩn bị tinh thần trở thành ‘member’ của một gia đình mới, các cặp đôi thường chọn làm đám cưới vào khoảng tháng 8-10 âm lịch. Bởi lúc này thời tiết đã trở nên mát mẻ dễ chịu, mà cũng có thêm tí thời gian để sắp xếp êm xuôi việc nhà cửa, hai bên gia đình, bạn bè đồng nghiệp để kịp đón năm mới cùng nhau – cái tết đầu tiên sau khi chính thức về chung nhà.
“Tụi mình tính cuối năm cưới, chắc còn hai tháng nữa book cũng kịp mà ha, nhà hàng nhiều mà!”
Sai lầm rồi nha, bởi đây là thời gian vàng cho việc cưới hỏi, nên có nhiều cặp đôi đã ‘đặt gạch xí chỗ” trước cả năm trời cơ! Nếu bạn cũng có ý định tổ chức vào thời gian này thì hãy nhanh chóng book trước địa điểm – trang phục – makeup… cũng như các hạng mục khác càng sớm càng tốt nhé, vì ngày tốt thì không có nhiều mà những người yêu nhau và muốn ở bên nhau đến khi răng long đầu bạc lại nhiều vô kể, cẩn tắc vô áy náy nha cô dâu chú rể ơi!
Đó, chuyện mùa cưới là như vậy đó, hi vọng bài viết be bé này sẽ đến được tay các bạn và giúp bạn giải đáp được chút thắc mắc ngộ nghĩnh hehe
Mến chúc hai bạn vừa chọn được ngày lành tháng tốt, vừa kịp book được venue ưng ý, lại kịp chốt được cái váy cưới thiệt vừa vặn, cũng vừa kịp trưởng thành để yêu nhau, cùng đồng hành và bảo bọc nhau đến cuối hành trình. Vậy nhen, hẹn gặp lại bạn trong bài viết sau, byeee!
NHỮNG ĐIỀU THƯỜNG LÀM CÔ DÂU CHÚ RỂ CẢM THẤY HỐI HẬN NGAY SAU KHI CƯỚI
Thông thường vào ngày cưới (tụi mình đang nói đến cả trước – trong – và sau khi tiệc báo hỉ diễn ra), các cặp đôi thường dễ bị quắn quéo nhặng xị cả lên vì có quá nhiều cảm xúc đang dâng trào trong cùng một thời điểm: vừa hạnh phúc vì “chao ôi người bạn trai chỉ vài tiếng nữa thôi sẽ trở thành bạn đời của mình rồiiii”, lại vừa lo lắng vì không biết mình lên sân khấu lỡ bị vấp chân thì sao, mình quên kịch bản thì thế nào, mọi thứ sẽ suôn sẻ và vui vẻ, không khí buổi tiệc có được bá cháy như mình tưởng tượng không? Nói chung là một ngàn câu hỏi cứ giật đùng đùng trong đầu
Nhưng mà thư giãn đi nào các cô dâu chú rể ơi, vì đám cưới thì chắc chắn là sẽ vui hết nấc rồi! Cơn “ác mộng” thật sự đang chờ bạn ở ngày hôm sau kia kìa!
Cưới hỏi mà cũng có “ác mộng” nữa hả?
Nói đùa thôi hehe, nhưng mà cũng hơi hơi đáng lưu tâm một xíu đó! Điều tụi mình đang cố cảnh báo bạn ở đây chính là cảm giác hối hận. Còn hối hận về điều gì, thì nán lại đây chút xíu, lướt lướt xuống dưới, để mình xem rồi rút kinh nghiệm để hông bị dính vào mấy trường hợp trớ trêu bên dưới nè!
Niềm đau thứ nhất: có chụp hình nhưng không quay phim!
Nhiều cặp đôi nghĩ rằng có ekip chụp ảnh là đủ rồi vì chụp cả 2-3 máy, cơ man nào là hình để xem, thuê thêm quay phim nữa thì phí! Thiệt ra nghĩ vậy cũng hông có sai, nhưng mà cô dâu chú rể nên cân nhắc lại quyết định này, bởi vì thành phẩm bạn nhận được không phải là một đoạn phim dài lê thê 45 phút như hồi xưa nữa, mà sẽ là một đoạn phim đã qua cắt ghép – chỉnh màu – chèn nhạc (đẹp đẽ chỉn chu như là MV của mấy ca sĩ bạn hay xem vậy á), ghi lại những khoảnh khắc highlight của buổi tiệc, và cả những trò vui chợt lóe của lũ bạn thân mà đôi khi bạn chưa kịp nhìn thấy vì mải bận chào bàn.
Chính vì lí do đó, các anh videographers sẽ là nhân tố thay bạn lưu lại những kỉ niệm đáng yêu, để về còn biết đường mà tính sổ với “lũ quỷ” nhà mình, và sẽ thật là tiếc nếu bỏ lỡ trò vui trong chính đám cưới của mình đúng hông nè!
Đừng để đêm tiệc của bạn trở nên… mờ mờ ảo ảo!
Tụi mình biết là ngày vui thì đồ uống có cồn là thứ không thể thiếu, tuy nhiên hãy tự lượng sức mình vì bạn sẽ có rất nhiều vị khách để tiếp đón chứ không phải chỉ 10-20 người. Cứ mỗi bàn nhấp môi một ngụm thôi thì coi chừng nhân vật chính lại “gãy ngang” giữa buổi tiệc đó nha! Thêm cả việc uống quá nhiều sẽ dẫn đến việc kí ức về đêm trọng đại sẽ bị mờ nhạt đi, sáng hôm sau ngủ dậy lại chẳng nhớ tối qua xảy ra cái gì thì… hơi bị kì á
Trừ khi hai bạn đều là “thần cồn” với đô bất tử, ngàn chén không say như các vị hảo hán trong phim kiếm hiệp thì okiela, còn không thì hãy cẩn trọng với số lượng cồn mà mình nạp vào người nha cô dâu chú rể! Có một mẹo nhỏ để tránh bị quắc cần câu là hai bạn hãy ăn đến lửng bụng trước khi nhập tiệc, tránh để bụng đói đi tiếp rượu, hoặc có thể nói nhỏ với các bạn nhân viên nhà hàng/quản lí sảnh để đổi champagne thành trà/nước ngọt nè
Hãy cho phép bản thân cảm thấy hào hứng, hồi hộp, hân hoan, hớn hở… về ngày trọng đại sắp đến!
Rất nhiều cặp đôi vì quá lo lắng và không biết bắt đầu từ đâu, nên nghĩ ra bước nào cần chuẩn bị là xỏ chân vào giày đi tìm vendors nói chuyện ngay, từ đó dẫn đến các đầu việc được hoàn thành một cách hơi… lởm chởm, chỗ này thiếu chỗ kia thừa. Nhìn đi nhìn lại thấy chưa đâu vào đâu, thế là bắt đầu lo lắng và cảm thấy quá tải, thấy cưới hỏi gì mà nhọc quá!
Nên là chậm lại một nhịp nào bạn ơi, hãy nhắm mắt và hít một hơi thật sâu, tưởng tượng về một đám cưới lí tưởng mà mình mong muốn sẽ diễn ra như thế nào, sau đó đặt bút xuống và ghi lại hết thảy, cuối cùng mới là hệ thống hóa các ghi chú lại: ví dụ như để thực hiện được ý tưởng này cần hoàn thành những đầu việc nào, theo thứ tự ra sao, deadline và ngân sách cho mỗi phần việc như thế nào, cái nào tự làm, cái nào cần Planner hỗ trợ…rồi cứ thế mà thực hiện theo tuần tự thôi nè, tránh việc đốt cháy giai đoạn để rồi chính mình cũng thấy rối rắm bạn nghen
Hãy tranh thủ tận hưởng tất cả những cảm xúc đến với mình trong quá trình chuẩn bị, vì đời người chỉ cưới một lần, để trôi qua rồi là hông có được “phiêu” lại lần hai đâu nha cô dâu chú rể!
Tuy nhiên, đám cưới thì vẫn là đám cưới, và ngày vui thì vẫn sẽ vui thôi nè, những hối tiếc đó thiệt ra cũng chỉ bé tin hin so với những kỉ niệm và khoảnh khắc mà hai bạn và khách mời đã có cùng nhau. Miễn là mỗi khi nhớ về ngày hôm đó, hai vợ chồng lại nhìn nhau cười toe toét, cảm thấy hạnh phúc ngập tràn, vậy thì chắc chắn đó đã là một buổi tiệc trọn vẹn rồi đó!
NHỮNG CHI PHÍ CHO ĐÁM CƯỚI MÀ BẠN CHƯA TỪNG NGHĨ TỚI
Bên cạnh những loại chi phí phổ biến mà ai cũng biết như tiệc bàn, trang phục và phụ kiện cưới, decor… thì những loại chi phí bên lề mới là thứ “ú òa” với các cặp đôi. Cùng tụi mình lướt qua một vài đầu mục và ghi chú lại để có sự chuẩn bị chu đáo hơn cũng như tránh bị các hạng mục này “úp sọt” nha bạn!
Không chỉ là menu tiệc bàn, buổi tiệc còn phải thỏa mãn được cả phần nghe lẫn phần nhìn!
Chi phí để thuê một ban nhạc biểu diễn trong đám cưới thì ai cũng biết rồi, nhưng liệu bạn đã biết đến việc nếu mang một band nhạc từ bên ngoài vào (chứ không phải do nhà hàng/ khách sạn cung cấp) thì cô dâu chú rể cũng có thể bị charge phí chưa?
Tương tự với band nhạc, hệ thống âm thanh ánh sáng khi mang từ bên ngoài vào cũng có thể bị tính thêm phí, chưa kể đến việc đôi khi không gian tổ chức quá lớn, bạn cần phải tăng thêm số lượng/ công suất của thiết bị, đồng nghĩa với việc chi phí sẽ đội lên thêm một phần so với dự kiến
Do đó trước khi chốt cọc với một đơn vị cung cấp thiết bị nào, tốt nhất bạn nên giải thích/ miêu tả lại không gian rõ ràng hoặc nhờ họ đến khảo sát địa điểm để có được thông tin chuẩn xác nhất, từ đó có được sự chuẩn bị tươm tất kĩ càng hơn nè
Sân khấu thì tất nhiên phải có, nhưng mà sân khấu đâu có tự mọc lên?
Hãy nhớ lưu ý đến phần chi phí tưởng chừng như “râu ria” nhưng lại khá đáng kể này, bởi vì không phải các nhà cung cấp sẽ bưng nguyên một cái sân khấu bỏ lên xe tải và giao tới địa điểm đã hẹn, mà là họ sẽ mang đến từng khung sắt, từng giàn truss… sau đó mới dỡ chúng ra khỏi thùng xe, di chuyển vào địa điểm và bắt đầu lắp đặt
Bởi vậy, ngoài chi phí decor sân khấu, hai bạn còn phải dự trù thêm chi phí cho việc vận chuyển – lắp đặt – tháo dỡ – nhân công thực hiện nữa đó nha
Dùng thử dịch vụ: tuy “thử” nhưng mà chi phí là tính “thiệt”
Có một số nhà hàng khách sạn và địa điểm tổ chức nói chung, sẽ tính phí khi cặp đôi và gia đình muốn ăn thử để xem có hợp khẩu vị hay không. Phần chi phí này có thể được tính với giá nửa bàn tiệc, hoặc trọn bàn tiệc với điều kiện đi kèm như ăn thử từ 6 người trở lên chẳng hạn, một số nơi sẽ yêu cầu cô dâu chú rể đặt cọc dịch vụ trước rồi mới được một buổi dùng thử miễn phí…
Tóm lại, mỗi nơi sẽ có những điều kiện và quyền lợi khác nhau, nên cặp đôi nhớ ghi chú lại để hỏi han kĩ càng nhé
Các điều chỉnh trong thiết kế
Tùy vào đơn vị mà hai bạn lựa chọn có chính sách như thế nào, tuy nhiên sẽ có một số nơi (cung cấp thiệp cưới, thiết kế decor không gian…) sẽ charge phí nếu bạn yêu cầu thiết kế – chỉnh sửa lại các chi tiết sau khi đã brief, vài nơi sẽ bắt đầu tính phí sau khi bạn vượt qua số lần chỉnh sửa quy định (chẳng hạn như hai bạn được điều chỉnh free 2 lần đầu tiên kể từ khi có bản sketch, nhưng lần thứ 3 trở đi sẽ bắt đầu tính phí) Nên hãy cứ trao đổi rõ ràng bạn nghen, đừng ngại gì hết, mình chỉ đang hỏi để nắm rõ những quyền lợi và giới hạn của mình thôi mà!
Bên trên chỉ là một vài loại chi phí phổ biến mà các cô dâu chú rể của tụi mình thường gặp chứ chưa phải là tất cả, nếu hai bạn quá bận rộn để có thể quán xuyến được hết các việc này thì hãy tìm cho mình một Wedding Planner uy tín để họ giúp bạn cân đối ngân sách và các loại chi phí, điều này sẽ giúp hai bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc bởi với các mối quan hệ mà Planners có được trong ngành cưới sẽ giúp bạn có được kha khá deal hời đấy, cân nhắc nhé!
VÌ SAO CHIẾC GIÀY CỦA LỌ LEM LẠI BỊ RƠI?
Cinderella là một câu chuyện cổ tích kinh điển được Nhà Chuột Disney hình tượng hóa, là tuổi thơ của biết bao nhiêu người, gần như không ai là không biết đến. Nổi bật nhất trong câu chuyện chính là chi tiết đôi giày thủy tinh – một món đồ vừa giá trị (thủy tinh thời đó là chất liệu đắt tiền thật á) lại vừa độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của người mang, khiến Hoàng tử khi nhặt được phải trầm trồ và tương tư về nàng công chúa bí ẩn đó. Nhưng đó là chuyện ngày bé, còn hiện tại – khi bạn sắp trở thành cô dâu và đang vô cùng đắn đo về câu chuyện lựa chọn giày cưới, có bao giờ bạn vẩn vơ tự hỏi: “Nếu đôi giày thủy tinh thật sự vừa vặn, vậy tại sao nó lại rơi trên cầu thang khi Lọ Lem vội vã rời khỏi vũ hội?”
Tụi mình thiệt ra cũng không có đáp án cho câu hỏi đó, nhưng mẹo để chọn giày sao cho không bị tuột lên tuột xuống như cổ, thì tụi mình có á! Xem thử hôm nay tụi mình mang những lời khuyên nào đến cho bạn nghen!
Chọn mua giày vào buổi sáng: đúng giày sai thời điểm
Sau một đêm dài ngủ say, các khớp xương cũng như cơ bắp đều ở trạng thái thư giãn và có xu hướng sai lệch kích thước so với bình thường, nên chẳng có gì lạ khi buổi sáng bạn lại cao hơn hẳn 1cm so với trong ngày, hoặc cảm thấy đôi giày thường ngày sao hôm nay lại hơi rộng…
Do đó, nếu đi mua giày vào buổi sáng, bạn sẽ dễ dàng mua sai kích thước, dẫn đến việc gặp khó khăn trong ngày cưới vì đôi giày sao mà chẳng thoải mái tí nào!
Cái gì “quá” cũng không tốt
Nhiều cô dâu thường nghĩ một đôi giày đắt đỏ sẽ mang chất lượng và thiết kế lộng lẫy tương ứng, nhưng hãy cân nhắc nhé vì đôi khi việc đôi giày quá lung linh sẽ khiến bạn hối hận đấy, vì ngoài váy cưới ra thì bạn chẳng thể phối chúng với bất kì bộ trang phục hay một diện nó vào một dịp nào khác cả
Cũng không nên chọn một đôi giày cao đến mức… chông chênh vì hôm đó bạn sẽ phải di chuyển nhiều lắm đấy! 7cm đổ lại là chiều cao lí tưởng dành cho giày cưới, nhưng mà cũng còn tùy vào chiều cao của từng bạn mà có thể cân nhắc các loại giày đế vuông, đế xuồng hoặc giày bệt, gót thấp… để tránh cho bị chênh lệch chiều cao giữa hai người nha!
Khi giày cưới và váy cưới chẳng cùng một phe
Nhiều cô dâu thường nghĩ dù gì đôi giày cũng sẽ bị váy cưới che mất nên thường không quá quan trọng về việc chọn giày, điều đó nghe cũng đúng đó, nhưng bạn hãy thử nghĩ nếu chẳng may tuần trước vừa chốt đơn được đôi giày ưng ý, nhưng chiếc váy cưới sáng nay vừa thử lại trông chẳng ăn nhập gì. Nghĩ thôi đã thấy kinh hoàng!
Vậy nên giải pháp hợp lý nhất có lẽ là chọn một đôi giày vừa đẹp mắt lại vừa có thể tái sử dụng với nhiều chất liệu, màu sắc và hoa văn vải khác nhau. Nếu bạn quyết định chọn chiếc váy cưới màu trắng tinh khôi thì giày cưới cũng nên có shade màu tương tự, hoặc nếu váy cưới của bạn màu khác thì một đôi giày màu ngà voi sẽ dễ phối đồ hơn đấy
Sai lầm thứ 101: để dành giày cho đến ngày cưới
Tâm lý mọi người đều hay để dành những thứ yêu thích cho dịp đặc biệt, tụi mình biết chứ! Nhưng đây cũng chính là nguyên nhân khiến chân của bạn bị phồng rộp lên sau một ngày dài di chuyển nhảy nhót tưng bừng. Tốt nhất các cô dâu nên bắt đầu sử dụng giày cưới ít nhất năm bữa nửa tháng trước khi ngày trọng đại diễn ra, vừa để quen với chiều cao đó, vừa là để giày dãn và mềm ra một tí, tránh gây đau chân
Tuy không được phô bày rõ ràng bằng các loại phụ kiện khác như hoa tai, vương miện, cách makeup và tóc tai…nhưng giày cưới vẫn là một phần thể hiện cá tính cũng như phong cách thời trang của cô dâu. Hơn thế nữa, nó lại còn là người bạn đồng hành thân mật nhất với bạn trong suốt buổi tiệc, do đó để có được những trải nghiệm dễ chịu nhất, các cô dâu đừng quên take note lại những điều tụi mình vừa lưu ý ở trên nhé!
Nếu bạn cần tụi mình hỗ trợ quán xuyến cả các đầu việc trước ngày cưới và trong ngày cưới thì hãy tham khảo qua:
- Phần 1 – Trước ngày cưới: CÁC DỊCH VỤ CƯỚI NỔI BẬT – DÀNH CHO QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ CƯỚI 3-12 THÁNG
- Phần 2 – Trong ngày cưới: CÁC DỊCH VỤ NỔI BẬT – DÀNH CHO QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ CƯỚI 3-12 THÁNG
____________________
Bài viết thực hiện bởi Hiểu My x kissteam
Hình ảnh: KISS WEDDING EVENT PLANNER
© www.kisswe.com
Gặp tụi mình ở đây nhé
- Inbox vào page này shorturl.at/xzFT7
- Để lại request tại https://cutt.ly/Ukn3R19
- Gửi email vào: contact@kisswe.com
- Zalo/viber to 0898317980 | 0707252960
- Gọi trực tiếp đến 0898317980 | 0707252960